Thứ Hai, 29 tháng 9, 2014

20 GAM MÀU XANH MÁT DỊU CHO THIẾT KẾ NỘI THẤT PHÒNG KHÁCH


Màu xanh Aqua
Sắc thái đặc biệt của xanh aqua kết hợp màu xám trong một phòng khách hiện đại mang lại sự nhẹ nhàng, tinh tế. Cửa sổ lớn từ góc sàn đến trần nhà cung cấp đầy ánh sáng tự nhiên vào bên trong là chi tiết cần thiết để không gian không bị choáng ngợp trong sự ủ rủ.


Màu xanh ngọc lam nhạt
Màu xanh ngọc nhạt phối cùng màu trắng đem đến sự thoáng mát và thư giãn. Hai tông màu này kết hợp với nhau là bộ đôi mạnh mẽ để tạo ra nét hiện đại đầy tính thẩm mỹ, hơn nữa còn phản ánh năng lượng tươi mới, sôi động.Vì vậy, phòng khách có vẻ trông đơn giản nhưng lại rạng rỡ, nhờ vào sự đơn giản của hai màu sắc cơ bản.


Màu xanh thép với phong cách Boho
Phong cách Boho khá quen thuộc với các họa tiết trial (thổ dân) kết hợp với gam xanh thép đậm và chất liệu vải kaki. Nhờ vào đồ nội thất màu xanh nhạt tương phản cùng với màu trắng, trong khi kệ sách quá khổ như điểm nhấn trang trí trong phòng khách.


Màu xanh carolina
Phòng khách đơn sắc của màu xanh carolina có xu hướng trông mờ nhạt và không có cá tính. Do đó, nên sử dụng nhiều mức độ khác nhau của màu xanh để hỗ trợ, tất cả chúng đều hướng đến một một bầu không khí yên bình. Kết cấu bề mặt cho bộ sofa, thảm, gối… tạo cảm giác ấm áp và nếu ánh sáng tự nhiên bị hạn chế, sử dụng ánh đèn màu vàng sẽ đem lại hiệu ứng tương tự.


Màu xanh lam arctic sẫm với phong cách Chic
Nói đến Chic là nói đến sự thoải mái, sang trọng và cá tính. Sự sang trọng mà đến từ màu xanh arctic sẫm xoa dịu với màu hồng phấn của ghế tạo sự cân bằng đáng kinh ngạc. Gam màu hồng pastel thêm cảm giác mềm mại và vui tươi.Đây có thể xem là một “kiệt tác” phối màu độc đáo và mới lạ.


Màu xanh coban
Xanh coban tạo cảm giác mát lạnh, tươi tắn. Thêm một vài bức tranh và họa tiết gợn sóng, sọc ngang như mang cả đại dương vào căn phòng khách. Xanh coban và màu trắng sẽ khá dễ để phối màu mà không sợ làm tối cho không gian. Đồ nội thất nên khéo léo điều chỉnh giảm mức độ đậm của gam màu để trung hòa và không gây sự lạnh lẽo.


Màu xanh thủy tinh
Xanh thủy tinh là màu xanh lam sẫm. Vì thế, sử dụng màu sắc tương phản cùng họa tiết là cách để trung hòa và tạo điểm nhấn quan trọng.Họa tiết trên nửa mảng tường dưới làm dịu đi sắc xanh bên trên. Gam màu vàng được coi như yếu tố chính tăng thêm cảm giác sống động cho phòng khách hiện đại.


Màu xanh nhạt
Nhờ vào hiệu ứng của gam màu pastel đã đem lại diện mạo quyến rũ và lãng mạn. Trong thiết kế phòng khách với màu xanh nhạt nên sử dụng các họa tiết màu đậm cùng tông để không làm lu mờ tổng thể mà vẫn giữ được tính đơn sắc của căn phòng.


Màu ngọc lam Turquoise
Phong cách chiết trung hơi hướng cổ điển sẽ nổi bật khi sử dụng gam màu Turquoise sẫm. Nó làm dịu cả căn phòng với nguồn năng lượng bền vững. Đặc biệt màu này khá hợp với bất kì loại đồ trang trí nội thất.


Màu xanh fancy
Màu fancy nhắc đến màu sắc của những viên kim cương màu óng ánh của các sắc thái khác nhau. Phòng khách được phối hợp giữa 3 gam màu xanh trong sự sắp xếp ngạc nhiên để đem lại nét vui tươi và mới mẻ: tường xanh fancy, ghế màu xanh lam ngọc và bàn màu xanh royal. Và điểm nhấn là tông màu hồng nhạt trung hòa toàn bộ không gian.


Màu xanh phong cách Mid-century
Để toát lên phong cách của những năm 40-70, phòng khách sử dụng tường màu xanh nhạt phản chiếu ánh sáng nhẹ nhàng trong sự ấm áp từ gỗ xoài, đồ nội thất Mid-century cùng các phụ kiện tinh tế. Tấm thảm với đường kẻ đậm màu xanh navy giúp tăng chiều sâu và sự quyến rũ của của phong cách này.


Màu xanh bạc hà
Tường màu xanh bạc hà là lựa chọn tối ưu cho những ngày hè nóng bức bởi sự dịu mát của gam bạc hà. Nếu phòng khách trông quá ủ rũ và có vẻ cũ kỉ, sử dụng xanh bạc hà cho màu tường sẽ làm giảm bớt tính nặng nề. Đối với căn phòng bên dưới, xanh bạc hà đã xoa dịu nét buồn bã của bức tranh cổ trên bộ sofa xanh lam ngọc.


Màu xanh navy hiện đại
Màu sắc luôn có một bản chất và sự kết nối hoàn hào của riêng nó, tuy nhiên, trong những cấu trúc, sắc thái khác nhau, đôi khi cũng có thể tạo ra sự ăn ý đầy cảm hứng. Trong trường hợp này, màu xanh navy và màu vàng nắng kết hợp mang đến bầu không khí hiện đại và tươi mới.


Màu xanh cổ vịt
“Chìa khóa” của phòng khách này được quyết định với màu sắc độc đáo và kết cấu mới lạ. Màu xanh cổ vịt và màu đỏ là sự kết hợp đặc biệt cùng nhau tạo ra nét năng động và mạnh mẽ, vì cả hai màu sắc này có sắc thái khá mạnh. Hơn nữa, sự xen kẽ của gam màu vàng làm cân bằng và dễ chịu cho căn phòng.


Màu xanh denim với kết cấu trên bề mặt
Màu xanh denim cân bằng với các yêu tố trang trí đơn giản và sắc thái nhẹ nhàng. Với kết cấu đặc biệt trên bề mặt màu tường cung cấp bầu không khí sang trọng và khác biệt.


Màu xanh baby blue
Gam màu pastel là xu hướng mới trong những năm gần đây, nổi bật là những tông màu như xanh bạc hà, baby blue… Vẻ yên bình là ưu thế trong ánh sáng của màu này. Sắc xanh mát trên tường kết hợp với họa tiết sofa làm căn phòng bừng sáng và thanh lịch.


Màu xanh da trời
Màu xanh da trời được sử dụng khá nhiều vì đây là gam màu không khó để phối đồ nội thất. Sử dụng màu xanh navy cho họa tiết sọc trên thảm làm ấn tượng cho phòng khách và thiết lập sự sống động bằng cách “phá vỡ” bức tường màu xanh da trời. Đồ nội thất bằng mây đặt thấp ở trung tâm căn phòng tạo ra nét tươi mới và hài hòa nhưng không “lấn chiếm” tông màu chính.


Màu xanh tiffany
Xanh tiffany là tone màu biểu tượng của Tiffany&Co. Xanh Tiffany rất được ưa chuộng, không chỉ trong trang trí nhà cửa, nội thất mà cả trong thời trang… Gam màu này luôn hài hòa với màu trắng và những màu pastel khác. Nếu kể đến nét tươi sáng và thanh lịch thì đây là gam màu không thể bỏ qua cho một phòng khách.


Màu xanh lavender nhạt
Tông màu dịu nhẹ này luôn toát lên vẻ thanh thoát và tinh tế. Những điểm nhấn giữa màu gỗ nhạt và sàn trắng đồng thời giữ được sắc thái của gam màu, mặc khác đó còn tô thêm nét sang trọng, mộc mạc.


Màu xanh soothing
Bên cạnh gam pastel nhẹ nhàng, gam màu soothing là những sắc thái màu êm dịu và dễ chịu. Phòng khách mang đậm phong cách popart cùng gam màu xanh tường nhạt đem đến “màn trình  diễn” đầy ấn tượng và sôi động. Màu sắc kết hợp linh hoạt và không rối mắt nhờ vào tông trắng của bộ sofa.



Cũng là xanh lam nhưng tùy theo sắc thái và thành phần phối trộn với xanh lá, trắng, đen… tạo ra những gam màu độc đáo khác nhau. Theo một vài nghiên cứu cho thấy rằng, màu xanh lam đứng đầu với nhiều người yêu thích nhất. Không mấy ngạc nhiên khi đó là màu sắc giúp giảm căng thẳng và bực bội, tạo cảm giác thư giãn và nhẹ nhàng. Nếu muốn chọn màu nào cho phòng khách nhà bạn trong mùa hè này, đó chỉ có thể là màu xanh lam!

Thứ Sáu, 26 tháng 9, 2014

TIẾT KIỆM NĂNG LƯỢNG TRONG NGÀNH XÂY DỰNG

Xây dựng là một trong những ngành tiêu thụ năng lượng rất lớn, ở hầu hết các giai đoạn trong chu trình sống của công trình.


Xây dựng là một trong những ngành tiêu thụ năng lượng rất lớn, ở hầu hết các giai đoạn trong chu trình sống của công trình. Bởi vậy, trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay, vấn đề tiết kiệm năng lượng trong xây dựng cần được tính đến ở mọi giai đoạn xây dựng.
Trong điều kiện hiện nay, khi biến đổi khí hậu xảy ra mạnh mẽ thì vấn đề tiết kiệm năng lượng không phải là chuyện của riêng ngành xây dựng. Đó là công việc chung của mọi ngành, nếu không chung tay góp sức, thì kết quả rất hạn chế. Tuy nhiên, theo số liệu của các nước tiên tiến, chỉ riêng tổng năng lượng tiêu thụ cho các công trình xây dựng đã chiếm đến 40% - 70% tổng năng lượng cung cấp cho đô thị. Từ thiết kế, thi công, khai thác sử dụng công trình đến sản xuất vật liệu xây dựng đều phải tiêu thụ năng lượng. 
Chỉ riêng việc xem xét tiêu thụ năng lượng điện trong nhà ở tại các khu đô thị mới đã thấy có nhiều vấn đề cần giải quyết. Đó là tiêu thụ điện trực tiếp (chạy máy điều hòa không khí, quạt máy, đun nước nóng, chiếu sáng, thiết bị điện sinh hoạt, thang máy và các động cơ khác…) và tiêu thụ gián tiếp (vật liệu xây dựng, nước sinh hoạt,...) Rõ ràng là để sử dụng năng lượng tiết kiệm và có hiệu quả đều phải xét đến tổng tiêu thụ điện trực tiếp và gián tiếp ngay trong từng căn hộ, cũng như việc tiêu thụ năng lượng ở các khu vực công cộng, như: các hệ thống cung cấp điện chiếu sáng, cấp nước, cấp nhiệt, thông tin, thang máy,… Từ đó, lựa chọn và sử dụng các trang thiết bị cho từng căn hộ cũng như các hệ thống điều khiển tự động của cả công trình. 
CÁC GIẢI PHÁP TIẾT KIỆM NĂNG LƯỢNG ĐƠN GIẢN
1.  Khai thác, tận dụng điều kiện tự nhiên hợp lý để tiết kiệm năng lượng trong xây dựng.
Ngay từ khâu thiết kế thì việc chọn số liệu khí hậu thích hợp (về bức xạ mặt trời, nhiệt độ không khí, độ ẩm tương đối, gió, điều kiện tiện nghi vi khí hậu công trình,…) để phát triển công trình xanh, tiết kiệm năng lượng trên cơ sở tận dụng tối đa điều kiện khí hậu thiên nhiên và cảnh quan tự nhiên. Nhất là trong vấn đề tổ chức thông gió tự nhiên và tận dụng ánh sáng tự nhiên.


Cũng trong khâu thiết kế, việc chọn kiểu dáng, hình khối nhà cao tầng không chỉ thuần túy về phương diện thẩm mỹ kiến trúc mà còn có tác dụng tiết kiệm năng lượng trong quá trình xây dựng và vận hành, sử dụng. Chẳng hạn, thứ tự ưu tiên lựa chọn hình khối nhà cao tầng để tiết kiệm năng lượng là khối trụ tròn, khối đa diện đều, khối trụ vuông, khối trụ chữ nhật rồi mới đến các khối có hình thù lồi lõm phức tạp khác.
Việc lựa chọn hệ thống cửa sổ nhằm tận dụng ánh sáng tự nhiên để chiếu sáng cho phòng cũng là một biện pháp hữu hiệu để tiết kiệm năng lượng trong xây dựng. Chẳng hạn, chọn loại cửa sổ cao và hẹp thì sẽ tốt hơn loại cửa thấp mà rộng (so với cùng một diện tích của cửa). Cửa dễ dàng đóng mở nhưng cũng đảm bảo yêu cầu che nắng. Việc áp dụng kinh nghiệm sử dụng cửa truyền thống (trong kính, ngoài chớp) vẫn là một gợi ý tốt bậc nhất trong xây dựng.
2. Sử dụng vật liệu xây dựng phù hợp với khí hậu nhiệt đới và thân thiện với  môi trường
Sử dụng gạch không nung trong xây dựng, đỡ tốn kém nhiên liệu nung, giảm khí thải và ô nhiễm nhiệt, tạo loại vật liệu thân thiện với môi trường. Trong điều kiện khí hậu nhiệt đới nóng ẩm Việt Nam, nếu vật liệu xây dựng không đảm bảo tốt các yếu tố: cách nhiệt, chống thấm dột, ẩm mốc, bền vững, khó bị hư hoại trước những tác động khắc nghiệt… thì trong quá trình vận hành các công trình xây dựng sẽ phải sử dụng thiết bị điều hòa, thông gió nhân tạo, có thể hiệu quả, xong tốn nhiều năng lượng.
Việc sử dụng loại sản phẩm cách nhiệt, có khả năng ngăn bức xạ mặt trời hoặc được thiết kế với hệ thống thông gió tự nhiên tốt sẽ tạo điều kiện cho các công trình xây dựng có thể không dùng nhiều điện năng làm mát mà vẫn đảm bảo không bị nóng. Đó là chưa kể các loại cấu kiện tiền chế như tấm tường, tấm sàn có chiều dày mỏng, vận chuyển dễ dàng trong thi công, tạo điều kiệm tiết kiệm năng lượng, chất đốt cho xe cộ…
3.  Sử dụng cây xanh để làm giảm nhiệt độ mặt đệm và làm sạch không khí đối với công trình xây dựng cũng là một biện pháp tiết kiệm năng lượng cần được nhắc đến.
Nếu không gian xung quanh khu nhà ở được “lục hóa” thì sẽ tạo môi trường không khí trong khu nhà ở thấp hơn, sạch hơn, mát hơn, ít phải sử dụng máy điều hòa không khí và tiết kiệm điện năng một cách rõ rệt.
XU HƯỚNG TẤT YẾU
Mặc dù các chủ đầu tư còn bị hạn chế bởi vốn đầu tư cho các giải pháp kỹ thuật nhằm tiết kiệm năng lượng cho công trình ngay từ khâu thiết kế, nhưng trước xu thế phát triển tất yếu của các tòa nhà thông minh, tiết kiệm năng lượng và thân thiện với mô trường, một số DN đã hướng đến việc sử dụng năng lượng tiết kiệm để giảm thiểu chi phí trong quá trình vận hành khi tòa nhà đưa vào sử dụng:
Công ty Lạc Việt đã đầu tư và xây dựng hệ thống điều khiển thông minh trong cao ốc Lạc Việt với tất cả hệ thống điện, nước, điều hòa nhiệt độ, kiểm soát an ninh, mạng… của tòa nhà được lập trình theo một hệ thống điều khiển tập trung để vận hành tự động. Hệ thống cảm ứng tự điều chỉnh nhiệt độ của máy lạnh trong phòng với phù hợp với nhiệt độ ngoài trời, tự động ngắt điện khi không có người trong phòng. Theo lãnh đạo công ty, với giải pháp này tòa nhà giảm được điện năng tiêu thụ 15% - 30%, tăng hiệu suất làm việc của nhân viên lên 2% - 5%, vì tất cả hoạt động đều được điều khiển và kiểm soát từ xa và tăng các giá trị khác của tòa nhà lên gần 4%, đồng thời giảm thiểu ô nhiễm môi trường và đảm bảo sức khỏe cho nhân viên.
Còn ở tòa nhà Green Power có đề tài khoa học từ khâu thiết kế để tòa nhà vận hành một cách tiết kiệm nhất về năng lượng, nên khi đưa vào hoạt động, tòa nhà này được các chuyên gia tiết kiệm năng lượng đánh giá là tòa nhà tiết kiệm năng lượng với mức tiết kiệm có thể vượt trên 30%. Ngoài ra, nhiều tòa nhà khác tại TP như khách sạn Majestic, Continental, Grand, Palace, Kim Đô, Oscar, Metropole, siêu thị Big C... cũng lần lượt áp dụng biện pháp tiết kiệm  năng lượng như sử dụng bình nước nóng năng lượng mặt trời, lắp đặt biến tần cho các động cơ bơm hay tận dụng ánh sáng tự nhiên… và đã tiết kiệm 15% – 40% điện năng tiêu thụ mỗi năm.
Không chỉ các tòa nhà, hiện nay khi xây dựng các cao ốc, chung cư nhiều chủ đầu tư cũng đã chấp hành quy chuẩn xây dựng, kết hợp thiết kế xen lồng kiến trúc sinh thái nhằm tiết kiệm năng lượng, chẳng hạn như thiết kế kết hợp tăng cường sử dụng ánh sáng mặt trời và thông gió tự nhiên.  Theo kỹ sư Nguyễn Văn Đực, với giải pháp thiết kế tại chung cư Thái An có khe sảnh tầng nên không cần sử dụng đèn chiếu sáng và thông hơi cơ học nhưng vẫn đảm bảo ánh sáng, gió vào sảnh các tầng và các phòng của căn hộ, tạo môi trường trong lành và tiết kiệm năng lượng. “Với thiết kế này có thể tiết kiệm được 10 giờ trái đất mỗi ngày, chứ không phải 1 giờ trái đất mỗi năm vì không cần đèn, quạt thông gió trong suốt thời gian sử dụng”- ông Đực nói.
Ông Phạm Huy Phong, Trưởng ban cố vấn kỹ thuật Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TPHCM cho biết, tham khảo các công trình từ nhiều nước trên thế giới, để xây dựng những tòa nhà, công trình tiết kiệm năng lượng, chi phí xây dựng có thể tăng từ 10%-30% nhưng có thể mang đến mức tiết kiệm khoảng trên 20% chi phí năng lượng so với các công trình không áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng. “Tuổi thọ của một công trình rất lớn, do đó các công trình áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng về lâu về dài sẽ tiết kiệm rất nhiều chi phí vận hành sau này”- ông Phong nói. Đây là một con số không nhỏ, chẳng những mang lại hiệu quả kinh tế xã hội lớn lao cho các chủ đầu tư, chủ công trình, người sử dụng, mặt khác cũng đóng góp đáng kể cho việc phát triển bền vững đô thị, giảm nhẹ các tác động đến môi trường và đặc biệt các chất khí thải gây ảnh hưởng đến hiện tượng biến đổi khí hậu.
Năm 2003, Chính phủ đã ban hành Nghị định 102 về việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, trong đó có đề cập đến vấn đề sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các công trình xây dựng. Năm 2005, Bộ Xây dựng cũng đã ban hành Quy chuẩn xây dựng cho các công trình xây dựng sử dụng năng lượng có hiệu quả. Và sau đó, Bộ Xây dựng cũng đưa ra nhiều tiêu chuẩn như “Nhà ở cao tầng - hướng dẫn thiết kế sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả”, “Nhà văn phòng - hướng dẫn thiết kế sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả”… Tuy nhiên, chưa có những hướng dẫn đồng bộ cũng như những chế tài cụ thể đối với việc tiết kiệm năng lượng trong những công trình xây dựng. Chính vì thế, thay vì phải áp dụng các quy chuẩn bắt buộc về tiết kiệm năng lượng trong xây dựng các tòa nhà thì hiện nay chỉ dừng lại ở việc khuyến khích, do đó các công trình “nhà ở thông minh”, “công trình tiết kiệm năng lượng”… chưa nhiều và chỉ là những công trình riêng lẻ.
Theo ông Phạm Huy Phong, hiện nay các tòa nhà tiết kiệm năng lượng tại TPHCM được xây dựng xuất phát từ sự tự nguyện và lợi ích của các chủ đầu tư là chủ yếu chứ chưa phải thực hiện theo quy chuẩn xây dựng.
Việc tiết kiệm năng lượng và sử dụng nguồn năng lượng hiệu quả trong các tòa nhà không chỉ góp phần làm giảm chi phí cho DN mà còn phù hợp với mục tiêu của Chính phủ, đảm bảo an ninh năng lượng, phát triển bền vững và bảo vệ môi trường. Do đó, trong những năm trở lại đây, Trung tâm tiết kiệm năng lượng TPHCM đã tổ chức thường niên cuộc thi “Tòa nhà hiệu quả năng lượng” nhằm mục đích kêu gọi ý thức tiết kiệm điện để tìm ra mô hình tòa nhà tiết kiệm năng lượng hiệu quả và nhân rộng mô hình. Các tòa nhà đoạt giải tại cuộc thi này sẽ được tôn vinh, các DN cũng qua đó được nâng cao uy tín của mình – cách tốt nhất để thu hút khách hàng. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, bên cạnh việc khuyến khích, tôn vinh các công trình tiết kiệm năng lượng cũng nên có quy định xử phạt các công trình thiết kế không đảm bảo yêu cầu tiết kiệm năng lượng.
Trên thực tế, khi giá năng lượng tăng cao thì việc các công trình xây dựng đi theo hướng tiết kiệm năng lượng là xu thế tất yếu. Tuy nhiên, với tồn tại một thực tế là đối với những công trình xây cho thuê làm văn phòng, chung cư, chủ đầu tư nếu ứng dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng phải bỏ ra chi phí đầu tư cao. Vì vậy, nếu không có quy định rõ ràng, không có biện pháp bắt buộc thì việc các công trình sử dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng cũng chỉ dừng ở mức tự phát, hiệu quả không cao.
Theo Trung tâm tiết kiệm năng lượng TPHCM, tiềm năng tiết kiệm năng lượng tại các tòa nhà ở TPHCM tương đối lớn khoảng 10%-40%. Trong tương lai, khả năng tiết kiệm năng lượng sẽ tăng lên khoảng 20% so với nhu cầu, tuy nhiên phần chi phí đầu tư là khá cao khoảng 30%-40%. Thực tế hiện nay cho thấy, tại TPHCM mỗi năm xây mới khoảng 3,5 triệu m2 do đó nhu cầu về năng lượng trong các tòa nhà cao tầng là rất lớn. Mỗi năm, TPHCM trích 14%-15% GDP dành cho nhu cầu về năng lượng, chi gần 13.000 tỷ đồng trả cho mức tiêu thụ năng lượng. Do đó vấn đề hiệu quả sử dụng năng lượng trong các tòa nhà đang đặt trong tình trạng bức bách nhằm giảm thiểu chi phí nâng cao lợi nhuận và thân thiện với môi trường

Tác giả: SYSTECH ECO

Nước Đức với các công trình tiết kiệm năng lượng

Thế giới đang đứng trước những thách thức của sự khan hiếm nguồn nguyên liệu, đặc biệt là nhiên liệu hoá thạch, theo đó giá dầu mỏ đang leo thang nhanh chóng, đe doạ một cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu. Hiện nay, nước Đức đã có những nỗ lực tích cực trong việc bảo tồn năng lượng bằng những thay đổi gần đây trong Luật Xây dựng, các tiêu chuẩn bảo tồn năng lượng trong xây dựng, với sự phát triển của kiểu “ngôi nhà thụ động” (passive house) - một ngôi nhà có hiệu quả về năng lượng và những ngôi nhà đó ra đời với mục tiêu chỉ tiêu thụ dưới 1,5l dầu/m2/năm. Tên gọi “nhà thụ động” xuất phát từ thực tế là loại nhà này hầu như không cần đến bất kỳ hệ thống sưởi ấm nào, nó chỉ cần hơi nóng thải ra từ những thiết bị nhỏ cộng thêm thân nhiệt của những người trong nhà là đủ. Với bộ phận giữ nhiệt bên trong, hệ thống thông gió tự động sẽ giúp các gian phòng thoáng đãng hơn.


Ngôi nhà thụ động ở Darmstadt Kranichstein được xây dựng năm 1990/91 bởi các kiến trúc sư Bott, Ridder, Westermeyer

Ngôi nhà thụ động đầu tiên được xây dựng ở Darmstadt năm 1991 do kĩ sư công trình Wolfgang Feist thiết kế. Đến năm 1999, ông bắt đầu xây dựng những ngôi nhà dành cho đại gia đình, kế đến là các khu chung cư tiết kiệm nhiên liệu. Toà nhà văn phòng thụ động lớn nhất thế giới tên “Energon” được xây dựng tại Ulm năm 2002. Hiện thế giới có hơn 6.000 khu nhà thụ động, bao gồm chung cư, cao ốc văn phòng, nhà xưởng, trung tâm y tế và trường học chủ yếu ở Đức, Áo và Thụy Sĩ. Kiểu nhà đặc biệt này có các tấm pin năng lượng mặt trời, các cửa sổ 3 lớp cách nhiệt, cùng một hệ thống thông gió độc đáo. Kiến trúc sư thiết kế “ngôi nhà thụ động”, Oliver Jirka, cho biết lợi thế quan trọng nhất của kiểu nhà này là việc loại bỏ các phương pháp sưởi ấm thông thường do sự cách nhiệt tối ưu. Ngôi nhà của Jirka ở Borfsdorf, gần Berlin, được bao quanh bởi một đệm không khí được bịt kín, giúp giữ nhiệt bên trong nhà. Không khí bên trong nhà được thông gió một cách tự động thông qua một hệ thống các ống ngầm dài 150m, giúp tuần hoàn không khí và duy trì một nhiệt độ không đổi khoảng 800C. Các cửa sổ có 3 lớp kính giúp cách nhiệt thêm và khoảng trống giữa các tấm kính được lấp đầy bằng khí Arargon. Dù chi phí xây dựng có cao hơn so với các thiết kế thông thường, nhưng theo kiến trúc sư Jirka thì nó lại tiết kiệm đáng kể chi phí sưởi ấm và nước nóng, với chi phí khoảng hơn 50 euro/tháng. Khoảng 6.000 ngôi nhà hoặc căn hộ trên khắp châu Âu đã áp dụng các thiết kế tiết kiệm năng lượng của “ngôi nhà thụ động”. Theo các nghiên cứu, thì năng lượng tiết kiệm được ở các ngôi nhà trên lên tới 80%.




Ngoài ra, với ý thức bảo vệ môi trường cao đi kèm với tình trạng nguồn tài nguyên trên trái đất ngày càng khan hiếm, các kiến trúc sư ở Đức cũng cạnh tranh thiết kế những ngôi nhà có khả năng tiết kiệm năng lượng hiệu quả nhất. Nhìn thoáng qua, khu chung cư Gartenstadt ở TP Mannheim trông không có gì khác những căn hộ bình thường nhưng chúng thu hút sự chú ý nhờ tính năng đặc biệt bên trong. Được xây dựng từ những năm đầu thập niên 1930 theo lối kiến trúc cổ điển, quần thể gồm 24 căn hộ 2 tầng rộng 1.300m2, sau khi được nâng cấp toàn diện đã trở thành hình mẫu về nhà ở tiết kiệm năng lượng. Nó cũng được gọi là “ngôi nhà 3 lít”, nghĩa là để sưởi ấm, người ở chỉ cần 3l dầu/m2/năm. Đây là mức tiết kiệm năng lượng hiệu quả nhất từ trước tới nay, bởi ngay cả những ngôi nhà mới được xây theo tiêu chuẩn tiết kiệm năng lượng cũng phải tiêu tốn nhiên liệu gấp 2 lần con số trên. Khu nhà trên là dự án thí điểm của Cty xây dựng GBG với sự trợ giúp kỹ thuật của đại học Stuttgart. Theo Luật Xây dựng Đức, các toà nhà phải được trang bị lớp cách nhiệt có độ dày tối thiểu 12cm, nhưng với chung cư Gartenstadt, GBG dựng lớp cách nhiệt dày đến 20cm. Riêng trần nhà được thiết kế dày gấp 4 lần so với tiêu chuẩn và các cửa sổ cũng được gia công kỹ. Khi toà nhà hoàn thiện, đặc tính tiết kiệm năng lượng được kiểm định cẩn thận bằng cách giảm áp suất không khí bên trong ngôi nhà sao cho tương xứng với áp suất bên ngoài, sau đó kiểm tra tốc độ luồng khí vào nhà. Cuộc thử nghiệm cho thấy nhiệt độ sau khi không khí “thấm” qua bức tường đã giảm đáng kể.


Có thể nói, các kiến trúc sư ở Đức là một trong những người đi đầu trong quan niệm mới về kiến trúcvà sử dụng năng lượng tiết kiệm. Đó là vấn đề sống còn với chúng ta ngày nay và đối với các thế hệ tương lai.
Nguồn: http://ashui.com/mag/congnghe/xuhuong/458-nuoc-duc-voi-cac-cong-trinh-tiet-kiem-nang-luong.html 

Thứ Năm, 25 tháng 9, 2014

Mẹo thiết kế nội thất tiết kiệm năng lượng

Cắt giảm chi phí hóa đơn tiền điện luôn luôn được hoan nghênh. Nhưng liệu bạn có biết cách thiết kế ngôi nhà của mình để có thể đạt được mục đích tiết kiệm năng lượng hay không?
Sau đây là một vài mẹo nhỏ để giúp bạn đạt được thiết kế hoàn hảo với mức tiêu thụ năng lượng thấp hơn.

1. Sử dụng quạt trần


Quạt trần là đồ điện tử rất kinh tế vì tiêu thụ ít điện năng.
Vào mùa hè, quạt trần giúp ngôi nhà của chúng ta mát mẻ. Khi mùa đông đến, bạn có thể chuyển đổi chiều quay của quạt, để cánh quạt quay ngược sẽ tạo ra gió ấm nhẹ nhàng trong không khí.
Những chiếc quạt trần có thể tiết kiệm cho bạn khá nhiều tiền của. Trong khi một chiếc điều hòa không khí thường có công suất lên tới 3.500 watt thì một chiếc quạt trần chỉ cần 60 watt mà thôi.
Thêm vào đó, quạt trần cũng có thể là một cách dễ dàng để bổ sung cách trang trí cho thiết kế nội thất nếu bạn chọn được một chiếc quạt có thiết kế thú vị.

2. Sử dụng bóng đèn tiết kiệm năng lượng


Thay thế những chiếc bóng đèn cũ bằng bóng tiết kiệm điện.
Bạn có biết bóng đèn trong phòng tắm chính là thứ được sử dụng nhiều nhất trong nhà? Một cách tốt nhất để ngăn ngừa sự mất mát năng lượng trong phòng tắm là thay thế các loại bóng đèn cũ bằng bóng đèn tiết kiệm năng lượng. Loại bóng đèn tiết kiệm năng lượng sản sinh ít nhiệt và tiết kiệm năng lượng rất tốt.
Ngoài ra, một chiếc cửa sổ trong phòng tắm cũng có thể giúp chiếu sáng phòng tắm vào ban ngày.

3. Sử dụng rèm cửa


Treo rèm cửa không chỉ tăng thêm sự sang trọng cho ngôi nhà mà còn giúp tiết kiệm năng lượng.
Treo những chiếc rèm cửa đẹp đẽ lên có thể là một cách tuyệt vời để thêm màu sắc và họa tiết cho phong cách trang trí của một căn phòng. Tuy nhiên, những chiếc rèm cửa cũng cần phải hữu ích để giúp bạn tối đa hóa khả năng hấp thụ nhiệt của ngôi nhà.
Trong những ngày mùa đông, nhớ kéo rèm lại để ánh sáng tự nhiên có thể tràn vào nhà. điều này ngăn bạn khỏi phải sử dụng hệ thống sưởi ấm trong nhà.

4. Sử dụng lớp phủ mờ trên cửa sổ


Lớp phủ cửa sổ giúp bảo vệ đồ nội thất.
Sử dụng các loại giấy phủ phản chiếu cho cửa sổ trong nhà vì nó giúp làm giảm lượng nhiệt vào nhà trong những ngày mùa hè, ngăn chặn việc sử dụng điều hòa không khí.
Từ góc độ trang trí, giấy phủ cửa sổ cũng rất quan trọng vì nó giúp bảo vệ các đồ dùng như thảm trải sàn và đồ nội thất khỏi bị ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp thường xuyên.

5. Sử dụng điện khoa học


Thiết kế phòng bếp đủ ánh sáng.
Sử dụng thiết bị chiếu sáng bên dưới hệ tủ bếp hoặc bàn bếp có thể làm sáng những bề mặt này và tăng hiệu suất năng lượng lên mức tối đa.
Bạn nên sử dụng bóng đèn LED vì chúng là nguồn tiết kiệm năng lượng tuyệt vời mà vẫn tạo ra bầu không khí ấm áp, hiện đại cho phong cách trang trí của phòng bếp.

6. Sử dụng đồ dùng giữ nhiệt


Cách nhiệt bằng xốp cũng là một cách giữ ấm cho nhà vào mùa đông.
Bạn có thể giữ ấm cho ngôi nhà của mình bằng cách cách ly nó trong suốt những tháng mùa đông lạnh lẽo. Một ví dụ là sử dụng các tấm xốp cách nhiệt bên trong. Cách này giúp giữ cho ngôi nhà của bạn ở nhiệt độ phù hợp.

7. Trồng cây kiểm soát khí hậu


Cảnh quan có thể tiết kiệm năng lượng cho bạn.
Cảnh quan là một phần quan trọng của việc đảm bảo cho ngôi nhà của bạn trông đẹp đẽ, nhưng nó cũng có thể ngăn chặn sự lãng phí năng lượng.
Bằng cách trồng cây rụng lá ở phía nam và phía tây sẽ giúp  bảo vệ ngôi nhà khỏi ánh nắng mặt trời.
Vào mùa đông, các nhánh cây trút lá sẽ để ánh nắng mặt trời lọt bên trong và sưởi ấm cho ngôi nhà.

8. Thiết kế cửa sổ trần nhà


Cửa sổ trần có nhiều hình dạng và hình thức.

Về vấn đề thu hút tối đa ánh sáng tự nhiên thì hãy xem xét thiết kế cửa sổ trần cho ngôi nhà. Điều này đặc biệt quan trọng trong một căn phòng không có một cái cửa sổ nào.
Một đoạn hoặc hành lang có chứa cửa sổ trần trên trần nhà sẽ tạo nên sự cân bằng hấp dẫn cho thiết kế của không gian sống và ngăn được những khu vực tối tăm, lạnh lẽo.
       
Nguồn: http://hcm.eva.vn/nha-dep/meo-thiet-ke-noi-that-tiet-kiem-nang-luong-c169a158537.html